Tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (CGNB) trồng loại cây không phù hợp nên Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải hạ lệnh chặt bỏ. Tuy nhiên, đang chặt dở dang thì phải dừng lại vì phía đối tác khiếu nại quyết liệt….
Mấy tháng qua, chuyện 17.000 cây xanh trồng xong phải chặt bỏ trên cao tốc CGNB khiến VEC phải tốn khá nhiều công sức để xử lý, nhưng xem ra chưa có giải pháp thực sự thỏa đáng. Vấn đề cần phải giải quyết là, nếu đốn đi hàng chục ngàn cây đã lỡ trồng thì thiệt hại chưa biết ai sẽ chịu trách nhiệm. Trên tuyến đường CGNB, VEC cho trồng cây trúc đào ở dải phân cách, hai bên taluy là cây keo tai tượng.

Trúc đào là loài thực vật có độc tính cao và chứa nhiều hợp chất có độc, nhiều hợp chất trong số này có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em. Độc tính của trúc đào được coi là cực kỳ cao, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đã đủ gây tử vong ở người. Tuy nhiên, loài cây độc này không vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ nên không ai đưa ý kiến phá bỏ.
Trong khi đó, cây keo tai tượng là cây không độc nhưng lại trái quy định kỹ thuật đường bộ, nên buộc phải đốn sạch. Theo khảo sát của chúng tôi, hai bên đường cây keo tai tượng đã khá lớn, sau khi có chỉ đạo thì đến nay đã chặt hạ khoảng 5.000 cây.
Theo hồ sơ, thực hiện Kết luận nội dung tố cáo số 13363/KL-BGTVT ngày 24/11/2017 của Bộ GTVT đối với ông Mai Tuấn Anh -Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, ông Nguyễn Văn Nhi -Phó Tổng giám đốc VEC ký văn bản yêu cầu: Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) tiến hành loại bỏ cây trồng trên phần mái taluy đường cao tốc CGNB cho phù hợp với Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Yêu cầu đốn bỏ phải thực hiện trước ngày 31/1/2018 để VEC báo cáo Bộ GTVT.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành đốn được khoảng 5.000 cây keo thì ông Đỗ Chu Đạt -Giám đốc Công ty TNHH D&G Việt Nam (đơn vị trồng cây) phản ứng quyết liệt vì việc đốn cây đã gây thiệt hại cho ông 2,5 tỷ đồng. Do VEC, VEC O&M và D&G Việt Nam không thể thỏa thuận bồi thường nên ông Đạt gửi đơn khiếu nại khắp nơi.
Theo Kết luận 13363 cho thấy: “VEC giao cho VEC O&M quản lý sử dụng quỹ đất dọc tuyến đường cao tốc CGNB đưa vào khai thác từ cuối năm 2011. Trong quá trình khai thác phát sinh tình trạng người dân trèo rào vào đường cao tốc chăn thả trâu, bò trong phạm vi hàng rào gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra đường cao tốc đi qua một số khu vực có dân cư sinh sống gây tiếng ồn.
Trước các vấn đề nêu trên, VEC O&M đã phát động cán bộ công nhân viên trồng cây dọc đường cao tốc vừa tạo cảnh quan môi trường xanh, giảm thiểu tiếng ồn, chống người dân trèo rào, chăn thả trâu bò trong phạm vi hàng rào. Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên việc phát động trồng cây gặp nhiều khó khăn nên chỉ trồng được một số đoạn khu vực nút giao Liêm Tuyền (Hà Nam).
VEC O&M đã xã hội hóa công tác trồng cây, hợp tác với Công ty TMHH D&G Việt Nam trồng toàn bộ hai bên đường. Về loại cây trồng, theo quy hoạch đường sẽ được mở rộng lên 6-8 làn xe, do đó để phù hợp với thời điểm thu hoạch, việc trồng cây keo là hợp lý. Tuy nhiên trên một số đoạn đường, cây được trồng trên phần mái taluy là chưa phù hợp theo Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ”.
Trần Lâm – Hữu Danh