Để xử lý tranh chấp giữa Công ty cà phê Cao Nguyên và đối tác kinh doanh, thẩm phán TAND quận 1 đã thụ lý vụ án, sau đó lại thụ lý bổ sung; Ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, rồi ra quyết định thay đổi. Trong khi đó, Chi cục Thi hành án quận 1 chỉ trong vòng 2 tuần đã ban hành đến 6 quyết định khác nhau, trong đó có 2 quyết định được đưa ra để thu hồi 2 quyết định do chính họ ký.
Đòi đền gấp…1000%
Như Làng Mới đã thông tin, sau khi kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cà phê Cao Nguyên, Công ty Sao Thủy trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Chủ nhà cho người khác thuê thì bị TAND quận 1, TP.HCM ra lệnh cấm thay đổi hiện trạng khiến các bên liên quan thiệt hại nặng nề.

Theo hồ sơ, CTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Công Trình (gọi tắt là Tranimexco) cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Sao Thuỷ thuê tầng trệt số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM, diện tích 480m2.
Công ty Sao Thuỷ ký hợp tác kinh doanh với CTCP dịch vụ cà phê Cao Nguyên thời hạn 5 năm (14/2/2019 là kết thúc hợp tác), diện tích 380m2. Diện tích còn lại khoảng 100m2, Sao Thủy ký hợp tác với một đơn vị khác.
Khi hợp đồng đang còn hiệu lực, tháng 1/2019 Cao Nguyên kiện ra tòa, yêu cầu vô hiệu hợp đồng hợp tác kinh doanh với Sao Thủy, đồng thời đòi Sao Thủy phải trả cho Cao Nguyên tiền cọc, tiền đền cọc hơn 1,6 tỷ đồng.
Hết hạn hợp tác, đồng thời hết hạn thuê mặt bằng, Sao Thủy trả lại mặt bằng cho Tranimexco theo đúng quy định của pháp luật.
Sau ngày 14/2/2019, Tranimexco ký hợp đồng cho đơn vị khác thuê với giá khoảng 600 triệu đồng/tháng. Lúc này, Công ty Cao Nguyên liền gửi đơn ra tòa, yêu cầu Công ty Sao Thủy phải bồi thường thiệt hại. Theo đơn của Cao Nguyên, họ bị thiệt hại lên đến 15,5 tỷ đồng nên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản do Tranimexco sở hữu.
Đến ngày 6/3, thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền thụ lý vụ án bổ sung, lần này nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tổng cộng gần 16 tỷ đồng.
Để thực hiện yêu cầu của nguyên đơn, thẩm phán Hiền đã thụ lý bổ sung lần 2, đồng thời cũng ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lần 2.
Như vậy, chỉ sau một tháng, số tiền nguyên đơn đòi đền đã cao gấp 1.000% so với lần đầu!
Xoay như chong chóng
Dù chủ nhà không hề liên quan đến hợp đồng hợp tác của hai bên và hợp đồng cho thuê đã hết hiệu lực, nhưng ngày 7/3 Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn ra quyết định số 08/2019/QĐ-BPKCTT “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”.Quyết định này nêu rõ nhà đất tại số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa “thuộc quyền sử dụng của Công ty Sao Thủy”. Thực tế tại địa chỉ này, ngoài tòa nhà do Tranimexco sở hữu còn có tòa nhà của Bộ GTVT cũng số 92. Với Quyết định này, xem như cấm toàn bộ các tài sản có số 92 dù Sao Thủy chỉ là đơn vị đi thuê.
Đến ngày 20/3, thẩm phán Hiền ra tiếp quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời, lần này chỉ cấm thay đổi hiện trạng tài sản đối với 380m2 mà Cao Nguyên từng thuê. Quyết định vẫn nêu rõ đây là tài sản thuộc quyền sử dụng của Sao Thủy.
Theo Công ty Tranimexco, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND quận 1 do Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền ký là trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Tranimexco. Do đó, Công ty có đơn khiếu nại yêu cầu huỷ bỏ quyết định này và bồi thường thiệt hại phát sinh nếu có do việc dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
Về mặt pháp lý và trên thực tế, Tranimexco là chủ sử dụng hợp pháp đối với nhà đất tại 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa theo Quyết định và các văn bản pháp lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sao Thuỷ chỉ là đơn vị đi thuê và đã giao trả phần diện tích 380m2 (phần hợp tác kinh doanh với Cà phê Cao Nguyên) kể từ ngày 25/2/2019. Do đó, tại thời điểm TAND quận 1 áp dụng BPKCTT nêu trên, Tranimexco đã thu hồi lại phần mặt bằng này và Sao Thuỷ đã không còn quyền sử dụng.
Theo đó, Công ty Tranimexco đã gửi đơn cho TAND quận 1 yêu cầu: 1/Huỷ bỏ quyết định số 12/2019/QĐ-BPKCTT; 2/Xem xét bồi thường cho Tranimexco toàn bộ thiệt hại phát sinh thực tế do việc áp dụng BPKCTT đối với mặt bằng tại số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tạm tính đến thời điểm hiện tại là 9,2 tỷ đồng.
Trong vụ án này, thẩm phán Hiền phải thụ lý bổ sung, nhưng giữa lần bổ sung và lần đầu hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, lần đầu là Cao Nguyên yêu cầu vô hiệu hợp đồng trước hạn rồi đòi bồi thường khoảng 1,6 tỷ đồng. Nhưng khi hết hạn hợp đồng, thì lại kiện bổ sung để đòi bồi thường thiệt hại do hoạt động kinh doanh bị cản trở và đòi 16 tỷ đồng.
Cũng trong vụ án này, Chi cục Thi hành án dân sự quận 1 đã ban hành 6 quyết định. Đặc biệt, ngay trong ngày 21/3, Chi cục này phải ban hành cùng lúc 4 quyết định, trong đó có 2 quyết định được đưa ra nhằm… thu hồi 2 quyết định đã ký!?
Làng Mới sẽ tiếp tục thông tin vụ việc
Sỹ Công