Hơn 1.173 tỉ đồng ngân sách sẽ được TP. Hồ Chí Minh tạm ứng ngân sách để trả nợ nhà thầu metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ trung ương.

Đây được xem là giải pháp cần thiết để ứng phó tình huống cấp bách trước tình trạng dự án Metro đang gặp khó khăn về vấn đề vốn trong quá trình triển khai.
Theo văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong về các vấn đề liên quan đến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, TP HCM đồng ý tạm ứng ngân sách thành phố để thanh toán cho các nhà thầu trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ ngân sách trung ương. Số tiền tạm ứng hơn 1.173 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thu xếp nguồn vốn để đáp ứng cho dự án.
Trước đó, Ban quản lý đường sắt đô thị đã có văn bản xin tạm ứng 1.173 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu trong tháng 9 và 10.
Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, trong năm 2017 nhu cầu vốn để xây dựng tuyến metro số 1 là 5.442 tỉ đồng, hiện đã được giao 2.119 tỉ đồng, đáp ứng 36% và còn thiếu 3.303 tỉ đồng.
Đối với phần vốn trung hạn từ 2016 -2020, nhu cầu vốn cho dự án metro số 1 là 20.930 tỉ đồng, hiện đã được giao 7.500 tỉ đồng, đáp ứng 39% và còn thiếu 13.430 tỉ đồng.
Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1292 về việc giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2017 đợt 3. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được giao vốn.
Đây là lần thứ ba Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM phải xin ứng vốn để trả cho nhà thầu. Cuối năm 2016, TP HCM tạm ứng khoảng 600 tỉ đồng tiền ngân sách thành phố cho các nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư…
Nhiều chuyên gia quan ngại với tình trạng dự án Metro chuyên chở theo nhiều kỳ vọng đột phá mới từ cơ sở hạ tầng cho kinh tế đầu tàu của cả nền kinh tế lẫn kỳ vọng thay đổi diện mạo đô thị ở một giai đoạn mới từ phía người dân, trong khi nguồn vốn dự toán cho dự án chưa chuẩn bị sẵn sàng các “nguồn vào”, nếu không có những giải pháp chủ động và kế hoạch huy động vốn nhanh, mạnh, hiệu quả hơn, Metro đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào vận hành từ 2018. Tuy nhiên, quá trình triển khai với nhiều nguyên nhân ách tắc và dự toán ban đầu đội vốn đã khiến dự án thực tế đang chậm lại. Dự kiến, “điểm lùi” của dự án chung sẽ đi vào vận hành từ 2020.
Tuyến Metro số 1 của TP HCM có quy mô xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km; đoạn tuyến đường sắt đi trên cao dài 17,1 km. Công trình bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và một depot. Dự án đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9 và Thủ Đức của TP HCM và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. |