Một sự so sánh nghe khá buồn cười của bà bán rau ở chợ quê miền Tây, xa tít Thủ Đô: “Người Nhật làm máy móc, xe cộ, điện tử: cái gì xài cũng bền còn hàng hóa của ta bây giờ đa phần là “điểu”. Cua buộc dây trâu; cháo chửi; tôm bơm tạp chất; trâu bò, heo, gà vịt: bơm nước, chích thuốc an thần… bởi vậy trách sao người ta cứ đổ xô xài đồ nhập. Người ta mua xăng Nhật không phải vì khoái được cúi chào, hay rẻ hơn 200 đồng/lít mà vì niềm tin người Nhật làm ăn đàng hoàng không bán xăng điểu, không đong thiếu”.

Liên quan đến câu chuyện hàng ngoại đang “lấn sân”, ông La Minh Hồng – Giám đốc Cty cổ phần thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ cho rằng: “Cây xăng Nhật góp thêm một hồi chuông cảnh tỉnh doanh nghiệp Việt. Nếu như doanh nghiệp nào còn suy nghĩ sản xuất tiêu thụ nội địa, với lợi thế “sân nhà” không sợ hàng ngoại nhập thì hãy thay đổi ngay cách suy nghĩ để không thua trên “sân nhà”.
Ông Hồng đưa ra cảnh báo: Cho dù hiện nay thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị và siêu thị mi-ni của các “ông lớn” nước ngoài chưa quá cao, nhưng trên thực tế, sự hiện diện của các doanh nghiệp này tại các thành phố lớn ngày càng gia tăng. Trong đó “đáng gờm” nhất là tập đoàn bán lẻ Central Group mua lại chuỗi hơn 30 siêu thị Big C; tập đoàn TCC Holdings (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry. Các tập đoàn như Lotte, Aeon… cũng tích cực mở rộng thị phần và đều có dự định tăng gấp đôi, gấp ba số cửa hàng trong vài năm tới qua việc mở từ hàng chục đến hàng trăm siêu thị hay trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Thực tế tại Cần Thơ hiện nay tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu bày bán ở các siêu thị như Big C, Lotte, MM Mega Market (Metro cũ) đang dần gia tăng, nhất là hàng hóa từ Thái Lan, đây là nổi lo lớn cho hàng Việt.

Ông Nguyễn Phương Lam – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, việc Việt Nam cam kết mở cửa gần như hoàn toàn thị trường bán lẻ đang đặt ra thách thức to lớn cho hàng hóa trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, quản trị tốt, kinh nghiệm vượt trội, thương hiệu uy tín lâu đời và có mạng lưới phân phối toàn cầu. Tuy nhiên, hội nhập toàn cầu cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế đất nước: Nếu chúng ta biết tổ chức sản xuất tốt thì với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu sẽ có những sản phẩm nông nghiệp tốt. Một khi sản phẩm này được các tập đoàn bán lẻ chấp nhận bao tiêu thì cơ hội xâm nhập thị trường ra toàn cầu là rất lớn.
Trở lại câu chuyện “cây xăng Nhật Bản”, vì sao chỉ một cây xăng ra đời đã làm chấn động cả thị trường, ngay cả người tiêu dùng bình dân nhất ở cách xa hàng ngàn km cũng biết tiếng. Vì sao chỉ một cây xăng mà làm cho hơn 14.000 cây xăng khác phải dè chừng? Có lẽ doanh nghiệp Việt còn phải học hỏi các doanh nghiệp lớn nước ngoài nhiều hơn về nghiên cứu thị trường, cách làm thương hiệu bơi khi đã hội nhập sân chơi toàn cầu thì sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn, sản xuất sạch hơn, cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn với giá cả rẻ hơn chính là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp và người sản xuất.