Thực trạng “vắt chanh bỏ vỏ” người lao động không chỉ khiến Việt Nam đang đánh mất “lợi tức dân số” thời kỳ “dân số vàng” mà còn tạo ra nhiều hệ luỵ cho xã hội trong tương lai.
Trong chuyến đi công tác tại Thái Nguyên, một số doanh nghiệp (DN) địa phương than phiền với chúng tôi rằng, hiện rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động do phải cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Thậm chí, sau khi được đào tạo và làm việc một thời gian gắn, người lao động sẵn sàng bỏ việc để sang DN khác hưởng mức lương cao hơn. Đó có lẽ là thực trạng đã và đang diễn ra hầu hết tại các địa phương chứ không riêng gì Thái Nguyên.
Khan hiếm lao động là một thực tế. Nó cũng là một nghịch lý đáng buồn khi mà theo số liệu thống kê lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2016 ước tính là 54,4 triệu người và Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Tức là về mặt lý thuyết Việt nam đang có lực lượng lao động trẻ dồi dào. Kết quả điều tra của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về thu nhập, đời sống của người lao động trong các DN năm 2017 cho thấy một bức tranh đáng báo động hơn khi bình quân độ tuổi của người lao động trong các DN chỉ là 31,2 tuổi. Trong đó, độ tuổi lao động trong ngành điện – điện tử chỉ là 26,9 tuổi; dệt may – giày da là 29,5; chế biến – chế tạo là 30,9…Điều tra trên cũng cho thấy, thời gian làm việc bình quân tại một DN của người lao động chỉ là 6,7 năm. Có thể thấy, tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở lĩnh vực sử dụng lao động trực tiếp, không cần trình độ tay nghề cao và việc tuyển lao động mới không khó.
Thông tin trên báo chí cho thấy, tại Đồng Nai có một “làn sóng ngầm” diễn ra tại một số DN FDI, gia công giày cho các thương hiệu lớn, đang âm thầm tổ chức thương lượng với các công nhân lớn tuổi, có thu nhập cao để buộc họ nghỉ việc. Sự việc này, xảy ra tại các Cty có số lượng công nhân đông, lên tới 20-30 nghìn công nhân. Không khó để tìm ra lý do “thải”, “loại” lao động trong các DN có sử dụng nhiều lao động như thi sát hạch, điều chuyển công tác, giảm lương… Hệ luỵ là những lao động “quá lứa, lỡ thì” rất khó có thể tìm kiếm được một công việc mới trong khi chưa đến tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Xét về khía cạnh pháp lý, không có quy định nào cấm DN sa thải lao động. Và để khắc phục thực trạng này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ký Công văn số 3758/BHXH-TT về việc tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH với nội dung chủ yếu là tổ chức các hội nghị đối thoại, tọa đàm với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất về chính sách BHXH. Trong đó nhấn mạnh tình trạng nhiều DN cho người lao động từ 35 tuổi trở lên thôi việc với số lượng lớn. Tuy nhiên, liệu đó có phải là những giải pháp căn cơ để phát huy lợi thế “thời kỳ dân số vàng”.