“Gần 90% cán bộ quản lý Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) có trình độ văn hóa không quá cấp hai và đa số chưa qua tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý HTX”.
Con số mà Bộ NNPTNT vừa đưa ra trên đây có lẽ rất đáng để những nhà hoạch định chính sách suy gẫm về chất lượng hoạt động HTX nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL, và có lẽ là cả nước nói chung.

Theo Bộ NN&PTNT, toàn vùng ĐBSCL hiện có 1.251 HTX nông nghiệp, thu hút hơn 100.000 thành viên tham gia với tổng vốn điều lệ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Các địa phương có nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng.
Sau hơn 4 năm kể từ khi Luật HTX (năm 2012) có hiệu lực, đã gần 500 HTX thành lập mới. tại ĐBSCL. Tuy nhiên, hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là năng lực quản trị HTX. Chính điều này đã làm cho nhiều HTX lâm vào thế khó khăn, giải thể.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nơi được đánh giá có nhiều mô hình phát triển HTX rất tốt như nông dân cho HTX thuê đất để biến thành cánh đồng lớn, khắc phục được hạn chế về hạn điền cũng cho biết, hiện nay địa phương cũng rất “đau đầu” về nhân lực quản trị HTX. Đa số đội ngũ cán bộ quản lý HTX đã lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp, quản lý điều hành chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản.
Theo thống kê, Đồng Tháp có 125 HTX nông nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 6 % Ban giám đốc HTX có trình độ cao đẳng, đại học; 16% có trình độ sơ cấp, trung cấp, còn lại hơn 70% chưa được qua đào tạo. Chính vì vậy, công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của HTX gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ban quản trị HTX nhận thức chưa rõ về những nghiệp vụ tài chính nên chưa chú trọng việc ghi chép sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định, dẫn đến nhiều bất cập trong việc thực hiện các chính sách thuế; quyết định các phương án kinh doanh còn nặng cảm tính, theo phong trào, không tạo được “niềm tin” của ngân hàng dẫn đến việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Ông Bửu cho biết thêm: thời gian qua, mặc dù địa phương đã mở nhiều lớp đào tạo về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, kỹ năng điều hành, kiểm soát, kế toán HTX… Tuy nhiên hiện nay địa phương đang gặp phải hai khó khăn, đó là trình độ văn hóa đầu vào của cán bộ quản lý HTX không đồng đều và kinh phí chỉ đủ để mở các lớp đào tạo ngắn hạn nên hiệu quả đào tạo không cao.