Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Quốc hội chính thức thông qua. Điều này giúp việc xử lý các TCTD yếu kém có con đường rộng mở và hiệu quả hơn.

Điểm đáng chú ý nhất của lần sửa đổi này là việc Quốc hội bổ sung thêm mục: Phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, được xem như là động thái mở đường cho phá sản ngân hàng. Ngoài ra, Luật cũng đưa ra yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm quản lý, điều hành của lãnh đạo các TCTD; nhất là việc bổ sung các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng sở hữu chéo, đầu tư chéo không lành mạnh…
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cho phép phá sản ngân hàng yếu kém, nhưng phải công khai “sức khỏe” ngân hàng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Bên cạnh đó, cùng với quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; xử lý kịp thời các vi phạm để tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, tín dụng lành mạnh, tránh nợ xấu phát sinh.
Rõ ràng, giới tài chính và thị trường đều đặt nhiều kỳ vọng vào bộ luật mới về TCTD, giúp hệ thống tài chính của Việt Nam tiến lên theo đúng chuẩn mực quốc tế. Về phía cơ quan quản lý, ngay sau khi Quốc hội thông qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa nội dung của Luật. Tiêu biểu nhất là việc NHNN công bố dự thảo về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó đáng chú ý là quy định: TCTD chỉ được sử dụng khoản vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản vào mục đích chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân. Điều này phần nào thể hiện rõ quyết tâm của NHNN sau tuyên bố vừa đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, vừa làm lành mạnh hệ thống ngân hàng của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trong phiên chất vấn trước Quốc hội.
Như vậy, với bước tiến lớn nêu trên, điều cần thiết là Luật đã có thì phải làm thế nào để thực thi được hiệu quả, nghiêm minh và đúng tinh thần Luật đặt ra; bởi thời gian qua, nhiều vụ việc, nhiều trọng án liên quan đến ngành ngân hàng đã khiến dư luận bất an về việc tuân thủ pháp luật của cá nhân liên quan. Điều này cần được thay đổi từ người điều hành cho đến người thừa hành để ngành ngân hàng hội nhập sâu rộng, đưa thương hiệu ngân hàng Việt vươn xa.
Bình Nam