Ngày 13/10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về đồ án quy hoạch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp trên núi Bạch Mã (Vườn quốc gia Bạch Mã).

Theo đề án, quy hoạch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp trên núi Bạch Mã dự kiến thực hiện trên diện tích 387,8ha, bao gồm 2 khu: Khu A là trạm cơ sở và hạ tầng giao thông với 97,8ha. Ngoài tuyến đường bộ sẵn có, đơn vị tư vấn đưa ra phương án xây dựng 2 tuyến cáp treo dài 5,6km, kết nối các phân khu du lịch trên đỉnh Bạch Mã, công suất 1.750 hành khách/giờ;
Khu B là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã, diện tích khoảng 290ha, với các chức năng chính: Khu hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại (lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải khát…); Không gian hoạt động ngoài trời (phố đi bộ, tuyến tham quan, tuyến hành hương, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên…).

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Giải pháp cáp treo là tối ưu vì ít tác động môi trường nhất, lại có thể tham quan được hệ sinh thái từ trên cao. Còn về mật độ xây dựng thì như trong đồ án là quá dày.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung -Viện trưởng viện quản lý rừng bền vững Việt Nam, nhận xét: Du lịch sinh thái là một giải pháp để bảo tồn thiên nhiên một cách hiệu quả, để giáo dục về môi trường cho người dân. Tuy nhiên, trong đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, tôi chưa thấy rõ điều đó. Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch cần đánh giá tác động môi trường đối với nước thải nguy hại thải ra môi trường thế nào.

Được biết năm 1986, Chính phủ quyết định thành lập 87 khu rừng cấm, trong đó có Bạch Mã – Hải Vân, để lưu giữ hệ sinh thái đặc trưng của vùng Trung Trung Bộ. Đến năm 1991, rừng cấm Bạch Mã – Hải Vân được đổi tên thành Vườn quốc gia Bạch Mã, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, với diện tích hơn 22.000ha. Năm 2008, Vườn quốc gia Bạch Mã được Chính phủ điều chỉnh mở rộng lên gần 37.500ha.
Phong Vân