Trong hội thảo sửa đổi Nghị định (NĐ) 67 vào cuối tháng 8 diễn ra tại Đà Nẵng, các tỉnh thành miền Trung có tàu 67 đều tham gia. Với mong muốn đóng góp vào sự thành công của NĐ trong lần sửa đổi này, các tỉnh đều chuẩn bị bài tham luận để trình bày và gửi đến hội thảo. Vậy đại diện các tỉnh miền Trung đã nói gì?

Dù mỗi tỉnh có những cách nêu vấn đề khác nhau nhưng đều thể hiện các góc độ thực tiễn, cụ thể tại chính địa phương xung quanh câu chuyện thực hiện Nghị định 67.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Trị cho biết: “Quảng Trị đã thành lập Ban chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là các Sở ban ngành liên quan nhằm triển khai tốt các chủ trương chính sách từ NĐ 67. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc tích cực của địa phương, đơn vị trên địa bàn, dù đạt được những kết quả thì tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn”.
Theo vị đại diện đến từ tỉnh Quảng Trị, những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai tàu 67 đó là ngư dân Quảng Trị chỉ quen đóng, sử dụng tàu vỏ gỗ nên khi đóng tàu vỏ thép đã gặp vấn đề trong sử dụng, vận hành tàu; Quá trình đóng mới, các nhà máy đóng theo thiết kế được phê duyệt trong đó có máy lái thủy lực chưa phù hợp với tàu khai thác hoạt động khai thác thủy sản, máy tời thu lưới hoạt động không đủ công suất, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt.
Các chủ tàu phải điều chỉnh, sửa chữa lại nhiều lần, gây tốn kém. Việc thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư có thời gian hiệu lực ngắn nên ngư dân không có thời gian thực hiện. Kinh phí hỗ trợ thí điểm cho một tàu đang còn thấp, giá trị tàu lớn, phần đối ứng cao, nguồn lực của ngư dân có hạn nên khó thực hiện. Một số chủ tàu đã được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn vẫn không có vốn đối ứng để thực hiện nhất là tàu vỏ gỗ.
Bên cạnh đó, các chủ tàu 67 cũng gặp khó khăn do thiết kế tàu đơn nghề, chỉ có hiệu quả trong mùa chính, mùa phụ thì hầu như không. Cộng thêm, sản lượng nguồn lợi từ biển như cá không phải lúc nào cũng xuất hiện nhiều trong một năm, nên hiệu quả các tàu 67 khi đưa vào hoạt động không cao.
Trong chính sách tín dụng, Ngân hàng nhà nước chưa có hướng dẫn việc cho vay đối với phần chi phí phát sinh vượt dự toán do điều chỉnh thiết kế. Nên có trường hợp tàu đã đóng xong nhưng chưa bàn giao vì chưa thanh toán hết nợ cho nhà máy.
Ngoài ra, văn bản hướng dẫn chính sách đào tạo thuyền viên chưa cụ thể nên khó thực hiện, tìm kiếm cơ sở đào tạo cũng khó khăn.
Một điều quan trọng nữa, quá trình triển khai đóng tàu mới, các chủ tàu đều đặt sửa đổi thiết kế cho phù hợp với ngư trường và tập quán sản xuất dẫn đến tăng chi phí và kéo dài thời gian thực hiện làm chậm tiến độ và giảm hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, chính sách bảo hiểm cũng chưa đi sát. Từ đó, tỉnh Quảng Trị đề xuất Nghị định 67 sửa đổi cho phép các chủ tàu và nhà máy tự điều chỉnh, tự chịu trách nhiệm đối với các trường hợp: máy lái, tời thu lưới..khi đưa vào hoạt động không hiệu quả, trục trặc kỹ thuật; Nghiên cứu triển khai kiêm nghề cho ngư dân để thực hiện đánh bắt trong các mùa phụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; có chính sách tích cực hơn đối với các Ngân hàng.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Thế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng có luận điểm giống với đại diện tỉnh Quảng Trị về chính sách bảo hiểm tàu 67.
Ông Thế nói: “Tàu được hưởng chính sách theo Nghị định 67 là tàu tham gia khai thác thủy sản xa bờ nhưng Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cấp cho tàu công suất 90CV trở lên chỉ được phép hoạt động trong vùng biển hạn chế II. Việc này ảnh hưởng quyền lợi của ngư dân khi giải quyết bảo hiểm tàu cá bị rủi ro trong quá trình khai thác trên biển.”
Đại diện tỉnh Phú Yên cũng nói thêm: Trong khi các ngư dân gặp khó khăn, còn ngại tiếp cận nguồn vốn vì khoản đối ứng cao thì các ngân hàng lại cũng ngại cho vay vì thời gian cho vay dài (16 năm), tỷ lệ đối ứng thấp, lo ngại rủi ro về nợ xấu hiện hữu.
Tỉnh Phú Yên cũng đồng ý ý kiến công tác đào tạo nhân lực đáp ứng công nghệ máy móc chưa được chú trọng làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tàu.
Do vậy, tỉnh đề xuất bãi bỏ hoặc điều chỉnh về vùng biển hạn chế vì không phù hợp thực tế; xem xét cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia để ngư dân lựa chọn, việc quy định mỗi tỉnh 1 doanh nghiệp như hiện nay đang gây bức xúc cho ngư dân; đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương xem xét, rà soát các cơ sở đóng tàu thép, vật liệu mới công bố cho ngư dân lựa chọn, rà soát các thiết kế mẫu để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nghề khai thác và vùng biển hoạt động, đồng thời quy định cụ thể quy trình giám sát chất lượng các cơ sở đóng tàu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết địa phương cũng gặp hầu hết các vấn đề như nêu trên. Bình Định hiện là tỉnh có số tàu đóng mới và nâng cấp được phê duyệt theo NĐ67 nhiều nhất trên cả nước. 252 tàu đóng mới và 46 tàu nâng cấp.
Đại diện đến từ tỉnh Bình Định cho biết: “21 mẫu tàu vỏ thép áp dụng cho toàn quốc là không phù hợp”. Vấn đề bất cập dẫn đến Nghi định 67 không mang lại hiệu quả như mong đợi đến từ chính con tàu, chính sách cho vay vốn và đến từ ngư dân.
Cụ thể, ngư dân “phân vân” từ việc đăng ký tham gia đóng mới, lựa chọn mẫu thiết kế, máy móc, trang thiết bị,…phân vân việc trả nợ, thiếu lao động, phân vân lựa chọn ngân hàng. Và cuối cùng, một số chọn chuyển sang đóng tàu bằng vốn tự có và vốn vay thương mại thông thường vì thủ tục nhanh gọn, vốn đầu tư thấp hơn.
Theo tỉnh Bình Định, vấn đề từ con tàu 67 giống như nói trên. Ngư dân khi đóng tàu theo mẫu đều yêu cầu điều chỉnh, làm nảy sinh nhiều vấn đề; rồi khi con tàu đưa vào hoạt động lại phát sinh lỗi. Nhiều vấn đề này có thể nói khái quát thành chất lượng và sự phù hợp: phù hợp nhu cầu ngư dân, phù hợp năng lực sản xuất, phù hợp điều kiện địa phương… Trong khi đó, các cơ sở đóng tàu ở xa, ngư dân gặp khó khi lựa chọn cơ sở đóng cũng như kiểm tra, giám sát thi công.
Đại diện tỉnh Bình Định kiến nghị, nên có hướng dẫn kéo dài thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc hướng dẫn cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ đối với tàu bị hư hỏng nằm bờ.
Đại diện đến từ tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Út – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh lại đề xuất nên xem xét lại tỷ lệ cho vay vốn.Theo ông Út, để đề cao trách nhiệm của ngư dân, tùy trường hợp cụ thể cần có mức cho vay hợp lý thay vì mức 90% như hiện nay.
Ông Út cũng đề xuất chú trọng xây dựng hạ tầng, bến bãi neo đậu và cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tại tỉnh, hiện ngư dân Quảng Nam không có nơi neo đậu, phải neo đậu tạm bợ ở TP Đà Nẵng.
Góp ý vào lần sửa đổi này, vị đại diện từ tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Nhà nước cần chính sách đủ mạnh để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, bảo quản hải sản, nâng cao giá trị sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đảm bảo đầu ra ổn định”. Có như vậy ngành khai thác thủy hải sản mới phát huy được tiềm năng, lợi thế biển, những việc làm của ngư dân cũng trở nên hiệu quả hơn.