Nhân lực ngành sư phạm với điểm số sàn sàn 15, 16 điểm thì người ta có lý do để lo ngại chất lượng những thầy cô giáo tương lai.
Kỳ thi quốc gia năm nay chứng kiến nhiều kỷ lục chưa từng có về số lượng điểm 10, thí sinh đạt 30 điểm chưa chắc đỗ, một ngôi trường chuyên ở tỉnh Quảng Trị nghèo khó đạt 100% học sinh đỗ nguyện vọng 1… Thậm chí kỳ thi năm nay cũng giành luôn ngôi vị quán quân về cảm xúc, sự bàn tán, quan tâm của toàn xã hội.
Những câu chuyện về điểm số kỷ lục được bàn tán mọi nơi, từ quán cà phê cóc cho đến bác tài xế xe ôm có con đạt 27 điểm vẫn thấp thỏm chờ đợi xem đỗ hay trượt, cũng có những người ở tầng lớp trên mà con em mình chỉ đạt 15, 16 điểm… Với họ hy vọng chẳng nhiều ở những trường chiếu trên, cùng đường họ lại cho em em mình vào… sư phạm!

Câu nói “chuột chạy cùng sào vào trường sư phạm” tưởng rằng chỉ đúng trong những năm sau giải phóng. Nhưng với năm nay, nhân lực ngành sư phạm với điểm số sàn sàn 15, 16 điểm thì người ta có lý do để lo ngại chất lượng những thầy cô giáo tương lai.
Điểm chuẩn các ngành Sư phạm của trường ĐH Sư phạm Huế chỉ đạt 15,5 – bằng điểm sàn, có ngành chỉ vỏn vẹn 12,75 là trúng tuyển; ĐH Sư phạm Hà Nội vốn là cái nôi đào tạo có tiếng cả nước về đội ngũ giáo viên, năm nay điểm chuẩn có ngành cũng chỉ lấy 17,5; 18 điểm.
Ngược lại, những trường gây ra cơn hoảng loạn điểm số đều thuộc về khối Y, dược, Quân sự, Công an hay Bách khoa. Nhìn vào điểm trúng tuyển có thể suy ngay ra chất lượng đầu vào của khối sư phạm không cao. Càng có lý do để lo ngại vì đây là những thầy cô giáo tương lai – những người trực tiếp đào tạo ra “đội ngũ dạy người”.
Phải chăng vì học sư phạm ra không thể làm giàu như các ngành khác, khi mà giáo viên chưa thể sống bằng lương, còn kỹ sư, bác sỹ nếu thành danh đếm tiền không xuể! Hay vì nhà giáo buộc phải nhốt mình trong cái lồng đạo đức, để xã hội nhìn qua lăng kính “nghèo nhưng thanh cao…?”
Từng có vị Giáo sư than thở, mấy mươi năm cống hiến cho sự nghiệp dạy học, được phong lên đến Phó giáo sư nhưng lương không bằng phân nửa cậu kỹ sư điện tử viễn thông mới tốt nghiệp đươc nhận ngay vào công ty Hàn Quốc. Mặc dù “giá trị” của vị giáo sư và cậu kỹ sư kia khó có thể kéo ghế ngồi cùng bàn, nhưng “cơm áo gạo tiền” không đùa với một ai!
Nhà giáo ngày nay luôn mặc cảm với chữ “nghèo”, đó là nghèo vật chất tiền bạc nhưng không nghèo về nhân cách và những giá trị mà họ tạo ra cho đời, đó là vô số những người học trò thành đạt.
Không phải không có những nhân tài chọn nghề dạy học như Doãn Minh Đăng (quán quân Olympia), Lê Bá Khánh Trình (huy chương vàng Toán quốc tế năm 1997 với điểm số tuyệt đối 40/40) , hay xa hơn là Ngô Bảo Châu. Nhưng số ấy không nhằm nhò gì với hàng chục ngàn người khác chọn con đường trở thành bác sỹ, kỹ sư, sỹ quan…
Lẽ dĩ nhiên, tri thức không giới hạn quê hương, biên giới, dù hoạt động trong lĩnh vực nào họ cũng đóng góp cho xã hội, nhưng tốt biết mấy nếu có nhiều hơn những nhà giáo như Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu, Doãn Minh Đăng… Bởi, thầy giỏi trò mới giỏi, đó là nguyên tắc không thể có nghĩa bóng nào cả.
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, giáo viên hiện nay đang khủng hoảng thừa, thi vào 29, 30 điểm nhưng chưa chắc ra trường đã kiếm được chỗ dạy nếu không thuộc nhóm “hậu duệ” hay “tiền tệ”… Mà nếu có may mắn kiếm được việc làm chăng nữa cũng chả thể nào sống với đồng thường 3 đến 4 triệu/tháng, chừng ấy liệu có xứng đáng với chất xám bỏ ra?.
Chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp là điều thấy rõ ràng, song điều này không thuộc về phía người học mà phụ thuộc vào những người hoạch định chính sách, trực tiếp là Bộ GD&ĐT.
Đến khi nào giáo viên có thể sống bằng lương, đến chừng nào nghề giáo cũng có đất để làm giàu và dễ kiếm việc như những ngành khác, đến chừng nào những thí sinh xuất sắc được đảm bảo một suất làm việc tốt nhất ngay sau khi ra trường… thì lúc đó mới dám nghĩ đến những thí sinh 29, 30 điểm muốn trở thành nhà giáo.
Khắc Trà