Nhờ áp dụng các tiến bộ về khoa học_kỹ thuật, nền Nông nghiệp Việt Nam đã có bước nhảy vọt đặc biệt là ngành chăn nuôi. Quy mô chăn nuôi gia súc gia cầm ngày càng được nhân rộng ở các địa phương, sản lượng thịt tăng mạnh dẫn đến tình trạng vỡ trận, cung vượt cầu. Đặc biệt trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng người dân phải giải cứu “thịt lợn”. Trong khi đó hàng ngày, các doanh nghiệp phải nhập thịt từ nước ngoài, thịt của Việt Nam chưa thể xuất khẩu được theo đường chính ngạch. Bởi chất lượng thịt nói riêng và nông sản nói chung đa số vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu bởi “sản lượng không đi đôi với chất lượng”.
Cần thiết lập ngay vùng an toàn dịch bệnh
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì sản phẩm thịt lợn Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường trong khu vực, như: Hồng Kông (Trung Quốc) và Ma-lai-xi-a với hai loại sản phẩm là thịt lợn sữa (lợn có trọng lượng từ 15kg/con trở xuống) và lợn choai (có trọng lượng dưới từ 16 đến 45kg/con). Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Từ đầu năm 2017 đến nay, xuất khẩu thịt lợn đạt khoảng 10.600 tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD). Đối với sản phẩm thịt gia cầm cũng chỉ sản xuất và tiêu thụ trong nước. Đến nay, mới có hai công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản là Công ty TNHH Koyu & Unitek và Công ty TNHH Cổ phần Việt Nam dự kiến vào tháng 8-2017. Sản phẩm trứng gia cầm với một số loại đã qua chế biến như trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút… đã được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Xin-ga-po, Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi thì để xuất khẩu được một sản phẩm chăn nuôi đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Đầu tiên là theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), sản phẩm xuất khẩu phải được sản xuất ở quốc gia, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Thứ hai, sản phẩm phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng được các yêu cầu của nước nhập khẩu. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi-doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm lợn sữa, lợn choai ở Hải Dương cho hay, khi doanh nghiệp của ông xúc tiến sản phẩm vào thị trường Xin-ga-po thì bị từ chối vì theo phía bạn lúc đó Việt Nam có dịch lở mồm long móng.
Trong khi đó, cho đến nay, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh lợn thí điểm tại 2 tỉnh: Thái Bình, Nam Định theo Đề án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tháng 2-2015 vẫn nằm “trên giấy” với lý do địa phương không có kinh phí để xây dựng. Kết quả, Việt Nam vẫn chưa có vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn nào được OIE công nhận. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm thịt lợn của Việt Nam chưa thể “vượt cửa ải” ra thị trường nước ngoài bằng “con đường” chính ngạch. Không chỉ đối với sản phẩm thịt lợn gặp khó mà ngay thịt gia cầm, trứng gia cầm cũng chẳng thể dễ dàng khi muốn mở rộng thị trường xuất khẩu. Bởi hầu hết các nước đều yêu cầu thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm tươi sống nhập khẩu phải được sản xuất theo chuỗi khép kín (từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi, giết mổ) bảo đảm an toàn dịch bệnh. Vì vậy, sản phẩm thịt lợn của Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, còn chính ngạch vẫn… bị tắc. Tình trạng lợn thịt cung vượt cầu ở thị trường nội địa, bị rớt giá, khiến người chăn nuôi thua lỗ thời gian qua là ví dụ điển hình của việc thiếu đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định rằng, sản phẩm lợn sữa, lợn choai xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong ngành chăn nuôi hiện nay.
Phải được chứng nhận là chăn nuôi sạch
Theo các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, để xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh thì Nhà nước phải hỗ trợ, còn nếu cứ phó mặc cho doanh nghiệp thì không thể làm được. Đồng thời, ngành thú y thường xuyên thông tin, tìm kiếm thị trường. Vậy, tại sao thú y lại phải thông tin, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường? Thực tế sản phẩm chăn nuôi muốn xuất khẩu được thì ngành thú y phải đi trước “mở đường”. Tất cả công tác xúc tiến thương mại đều trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không chứng minh được sản phẩm chăn nuôi… an toàn dịch bệnh. Đại diện Công ty TNHH Koyu & Unitek Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang xúc tiến xuất khẩu thịt gia cầm sang Nhật Bản với điều kiện sản phẩm phải bảo đảm không có tồn dư kháng sinh, chất cấm. Bởi thị trường Nhật Bản là thị trường hết sức khó tính.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, thì trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Đối với xuất khẩu động vật sống, các nước nhập khẩu có yêu cầu rất khắt khe về điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh, có rất nhiều rào cản kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng của nước họ… Vì vậy, cần bảo đảm an toàn dịch bệnh, có các vùng sản xuất an toàn; các cơ sở phải thực hiện chăn nuôi, sản xuất an toàn dịch bệnh. Theo đó, cần có quy hoạch cụ thể và có chính sách phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Nguyễn Kiểm