Nhiều năm qua, hàng chục hộ nông dân trồng cà phê quanh khu vực Dốc Kéo, thôn Krun, xã H’Neng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai bức xúc về việc bị ông Phùng Thế Hoát – người đại diện nông dân để ký hợp đồng với Điện lực huyện Đak Đoa kéo đường dây phục vụ tưới rẫy cà phê đã lợi dụng việc trên nhằm trục lợi cá nhân…
Từ việc chung tay xây dựng đường điện phục vụ tưới rẫy…
Anh Đặng Trung Kiên (Thôn 3, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) – một trong hàng chục hộ dân đang trồng cà phê khu vực này cho biết: Vào tháng 11 năm 2013, do nhu cầu nước tưới cho cây trồng, hàng chục hộ nông dân trồng cà phê ở khu vực dốc Kéo, thôn Krun, xã H’Neng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cùng thống nhất với nhau việc đưa điện 3 pha về phục vụ sản xuất. Lúc đó, ông Phùng Thế Hoát được bà con nông dân bầu làm đại diện để ký hợp đồng với Điện lực huyện Đăk Đoa.

Các hộ nông dân trồng cà phê cùng thống nhất số tiền đóng để ông Hoát ký hợp đồng cùng Điện lực huyện Đak Đoa kéo điện về phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức 20.000.000VNĐ/ha, tùy vào diện tích rẫy từng hộ để đóng tiền.
Khi Điện lực huyện Đăk Đoa cử nhân viên xuống khảo sát và xác định chi phí đầu tư là 1,4 tỷ đồng nhưng diện tích rẫy trồng cà phê lúc này chỉ hơn 63ha nên khoản tiền đóng góp của các hộ nông dân còn thiếu. Vì vậy, theo ông Phùng Thế Hoát – các hộ dân trồng cà phê phải nâng mức đóng ban đầu lên 25 triệu đồng/ha để đủ chi phí đầu tư đường dây và trạm biến áp 320 KWA.

…đến cậy công – lấn quyền, chiếm dụng tài sản của dân?
Theo anh Lê Hùng Thịnh, một trong hàng chục hộ nông dân đóng góp ban đầu bức xúc: “Tuy nhiên, ngay sau khi trạm biến áp 320KWA – từ nguồn vốn đầu tư qua đóng góp của các hộ nông dân được đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Phùng Thế Hoát cùng các ông Nguyễn Bình, Lương Thế Quyền – những người được dân bầu quản lý dự án này đã tiếp nhận thêm rất nhiều các hộ dân khác cùng sử dụng chung đường dây và ngang nhiên thu tiền đầu tư của họ để sử dụng vào mục đích riêng.”.
“Hiện diện tích rẫy mà trạm biến áp 320KWA cung cấp điện ban đầu đã lên gần 140ha khiến nguồn điện cung cấp cho nông dân rất yếu, khi bơm nước tưới cà phê thường xuyên xảy ra cháy nổ đường dây, công tắc điện..v.v… Không những thế, ông Hoát, ông Quyền và ông Bình còn cùng áp đặt giá điện ở mức 2.900đồng/kW-h khiến cho hàng chục hộ nông dân đóng góp tiền xây dựng ban đầu chỉ biết bấm bụng chịu thôi vì cà phê mà thiếu nước chỉ có chết, mà để có nước thì phải chấp nhận giá điện mà ông Hoát, ông Quyền, Bình đề ra.”.
Tiền chiếm dụng của nông dân đi đâu?
Trao đổi với PV Làng Mới, ông Thế Anh – một hộ nông dân trồng cà phê khu vực này cho biết: “Nông dân đã đóng góp xây dựng trạm biến áp, đường điện và được sử dụng là đúng. Nhưng khoản tiền hàng chục hộ dân mà ông Phùng Thế Hoát đưa vào sử dụng chung này đang ở đâu với mức 25 triệu đồng/ha thì số tiền các ông Hoát, Quyền, Bình đang chiếm dụng của dân đóng góp là gần 2 tỷ đồng đang được sử dụng vào mục đích gì? Họ lợi dụng chút công sức là đại diện cho nông dân ký hợp đồng với Điện lực để áp đặt giá điện cao ngất ngưỡng, chiếm dụng hàng tỷ đồng đóng góp của dân nhưng khi dân yêu cầu gặp mặt để công khai các khoản thu, chi thì các ông đều trốn bặt, không chịu ra mặt.”.

Được biết, hàng chục hộ nông dân có rẫy trồng cà phê khu vực Dốc Kéo, thôn Krun, xã H’Neng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai hiện đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nông dân của các ông Hoạt, Quyền, Bình… đồng thời đề nghị bàn giao toàn bộ công trình này cho Điện lực huyện Đak Đoa quản lý mà không cần khấu hao tài sản.
Làng Mới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.
Thanh Luận