Đã có một cái kết có hậu cho câu chuyện từng khiến công luận tốn nhiều giấy mực cách đây chưa lâu: Chuyện cấp phép biểu diễn ca khúc.

Hẳn nhiều người còn nhớ, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV, tiến hành vào giữa năm nay, một trong những chủ đề “nóng” nhất bên lề chính là việc trong danh sách những ca khúc vừa được “cập nhật, bổ sung” vào danh sách được phép biểu diễn có cả Tiến quân ca – cũng chính là Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam, đã được ghi rành rọt trong Hiến pháp.
Không chỉ bản hùng ca ấy của nhạc sĩ Văn Cao, trong danh sách mới được cấp phép này còn có hàng loạt ca khúc Cách mạng đã đi cùng những năm tháng đau thương và hào hùng của dân tộc. Hoá ra bấy lâu nay, đó vẫn là những “ca khúc không phép”(?!). Vấn đề này sau đó đã được các ĐBQH đưa ra chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Sau đó, Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp thứ 3 đã nêu 4 nhóm nhiệm vụ của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong đó có việc khẩn trương rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn.
Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ sau kỳ họp thứ 3 đến nay, Bộ đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn và thủ tục cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
Theo đó, từ nay trở đi, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác… Đối với các chương trình ca, múa, nhạc và chương trình sân khấu đã hoặc sắp hết hạn ghi trong giấy phép, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn có văn bản gửi Sở Văn hóa ,Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa và Thể thao) các tỉnh/thành thống nhất hướng dẫn theo hướng tổ chức đề nghị cấp giấy phép chỉ cần có văn bản khẳng định không thay đổi nội dung chương trình thì được tiếp tục biểu diễn.
Được đề nghị nêu quan điểm về nội dung này, nhiều vị ĐBQH ghi nhận đây là một động thái cầu thị của Bộ Văn hoá ,Thể thao và Du lịch, “một ứng xử văn hoá với các giá trị văn hoá”, nói như ĐBQH Dương Trung Quốc.