Thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2015 lên 9 tỷ USD năm 2025. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch trực tuyến của VN hiện đang bị DN ngoại lấn át ngay tại sân nhà.

Là một trong những DN nội đi đầu về bán tour du lịch trực tuyến, ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc Marketing công ty du lịch Tugo (Tugo.com.vn) cho biết, đã phải trả “học phí” không rẻ để bán được tour trên kênh này: DN đã từng phải “bán” lỗ hơn 300 khách cho các đối tác khác vào tháng 12/2015, thậm chí có thời điểm công ty Tugo phải cầm cố tài sản, đất đai để duy trì hoạt động.
DN nội phập phù
“Năm đầu tiên, chúng tôi mất trắng vài tỷ đồng bởi chi phí để có được một khách hàng đặt tour quá cao, lên tới 500.000-600.000 đồng/khách, con số này hiện còn khoảng 300.000 đồng/khách. Cùng với đó là lực lượng nhân viên từ du lịch truyền thống qua trực tuyến không đáp ứng được kịp thời việc xử lý thông tin, dẫn tới nhiều khách hàng không lựa chọn Tugo do thời gian chờ phản hồi và cung cấp thông tin quá lâu”, ông Vĩ chia sẻ.
Tugo không phải trường hợp cá biệt. Một số DN Việt đang đầu tư tập trung vào du lịch trực tuyến như chudu24.com, ivivu.com, tripi.vn, vntrip.vn… hiện cũng đang hoạt động rất cầm chừng.
Thống kê cho thấy, hiện có hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam do các DN ngoại chiếm lĩnh như Agoda.com, Trivago.com, Booking… Trong đó, Agoda hiện có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở VN, Booking cũng có hơn 6.000 khách sạn đối tác.
“Riêng năm 2016 Agoda thu được hơn 4.000 tỉ đồng tại các khách sạn ở VN”,hãng máy bay và du lịch trực tuyến gotadi.com nhận định.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn – Trưởng phòng marketing Công ty TST tourist, trang trực tuyến Agoda có một tôn chỉ nhất quán với mọi đối tác cung cấp dịch vụ mà trang mạng này hợp tác, đó là “giá cung cấp dịch vụ cho Agoda phải luôn là giá rẻ nhất”. Nói cách khác, nhà cung cấp không thể cung cấp cho bất kỳ đối tác nào giá phòng tốt hơn giá cung cấp cho Agoda. “Điều này khiến các DN nội không thể cạnh tranh giá với Agoda” – ông Mẫn nhìn nhận.
Cần “luật chơi” sòng phẳng
Theo các chuyên gia, với nguồn vốn dồi dào, lượng phòng dự trữ lớn, cùng nhiều chương trình khuyến mại đi kèm, đặc biệt là phương thức thanh toán tiện lợi là những lợi thế để DN ngoại chinh phục khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng DN ngoại đang được ưu đãi thuế trong khi DN nội phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ 25% thuế thu nhập DN.
“Các đơn vị kinh doanh trực tuyến không phải nộp thuế cho Nhà nước. Nếu người dùng khi đặt phòng giá 1 triệu đồng trên trang Agoda hoặc Booking thì khách sạn thu 700.000 đồng, 300.000 đồng còn lại họ được hưởng. Số tiền này được chuyển thẳng về công ty ở nước ngoài và họ không phải đóng thuế gì cho VN”, ông Ngô Minh Đức, Ban điều hành Hội đồng Tư vấn du lịch VN dẫn chứng cụ thể.
Ông Nguyễn Tiến Đạt- Phó Giám Đốc công ty TransVietTravel cho rằng, lợi thế về thuế phí đang giúp các DN ngoại có thêm vốn để đầu tư cho tiếp thị, quảng cáo… và củng cố thêm năng lực tài chính để tăng chiết khấu cho đối tác, chiếm ưu thế trong cạnh tranh. “Do đó, cần tạo sân chơi công bằng và xây dựng hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ DN trong nước”, ông Đạt chia sẻ.