Ông Hoàng Thái Hòa, Phó giám đốc sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cho biết đang tiến hành cùng các cơ quan ban ngành địa phương rà soát lại và đệ trình phương án đầu tư nhà máy nước An Trạch (Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) để chống nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt cho thành phố này.

Đây được xem là giải pháp khả thi và hợp lý nhất cho địa phương, trước vấn đề nguồn nước chủ lực từ sông Thu Bồn về Đà Nẵng ngày càng bị nhiễm mặn thường xuyên hơn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gần 1 triệu người dân.
Ông Hòa chia sẻ, giải pháp đầu tư này được đặt ra từ nhiều tháng qua, với sự tham gia thảo luận của các tổ chức tư vấn, cơ quan quản lý hữu quan tại Đà Nẵng. Các chuyên gia đã đề xuất ba giải pháp gồm xây dựng đập ngăn mặn tại đầu nguồn lấy nước ở nhà máy nước Cầu Đỏ, xây dựng hệ thống trạm bơm mới cho đập An Trạch, và xây dựng nhà máy nước An Trạch. Theo đó, hướng đầu tư nhà máy là khả thi bởi lập tức sử dụng được nguồn nước thô dự trữ từ sông Cu Đê cho Đà Nẵng mỗi khi nguồn nước sông Thu Bồn nhiễm mặn, mà chi phí đầu tư vận hành tiết giảm hơn.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, chuyên gia xử lý nguồn nước cũng cho rằng, cần xây dựng nhà máy nước An Trạch để chủ động nguồn nước dự phòng, dù nguồn nước từ sông Thu Bồn vẫn là chủ lực cung cấp cho Đà Nẵng. Nhà máy nước An Trạch sẽ cung cấp ổn định nguồn nước ngọt thô và sạch cho thành phố, nhất là ngăn chặn được nguy cơ ô nhiễm từ các cơ sở công nghiệp hiện đang phát triển dọc sông Thu Bồn.
Mức độ đầu tư của nhà máy nước An Trạch theo đó cũng sẽ mở rộng từng giai đoạn, ban đầu chỉ cần 120 ngàn m3/ngày đêm, sau đó sẽ nâng lên 240 – 360 – và tối đa 400 ngàn m3/ngày đêm.
“Đương nhiên có nhà máy này, Đà Nẵng vẫn xây nhà máy nước Hòa Liên để bảo đảm nguồn nước chủ lực từ Thu Bồn. Nhà máy nước Hòa Liên cũng có công suất tương đương An Trạch, và sẽ cùng hai nhà máy đang có là Cầu Đỏ, Sân Bay đủ cung cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng trong những năm đến”. Ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh như vậy.
Theo ông Hồ Hương, Tổng giám đốc công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, thời gian qua, nguồn nước sinh hoạt cấp cho thành phố này bị nhiễm mặn và khan thiếu khi dùng qua nguồn nước ngọt từ đập dâng An Trạch, gây ra những dư luận và đồn thổi không tốt về hoạt động của doanh nghiệp. Hiện tại cho đã có mưa, nên áp lực nhiễm mặn và thiếu nước này đã giảm. Nhưng để bảo đảm ổn định bền lâu, Đà Nẵng rất cần bổ sung những hạng mục đầu tư mới cho nguồn nước sinh hoạt của người dân, và dự án nhà máy nước mới ở An Trạch là rất khả thi. Theo hoạch định của giới chuyên môn, nhà máy này sẽ thi công chỉ mất hai năm, mức độ đầu tư không lớn, như vậy có thể góp phần bảo đảm giảí sớm bài toán khúc mắc của Đà Nẵng về tình trạng nhiễm mặn nước sinh hoạt.
Thụy Bất Nhi.