Chiều 24/10 tại hội trường Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, qua hơn 13 năm thực thi Luật Bảo vệ và phát triển rừng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay tỷ lệ che phủ rừng nước ta đã không ngừng nâng cao và đạt trên 41% là ở mức cao của thế giới.
Lâm nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật với sản lượng gỗ rừng trồng đạt 17,3 triệu m3 (2016), xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch từ 2,8 tỷ USD (2008) lên 7,3 tỷ USD (2016) đã đưa nước ta trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các mặt hàng này.
Đảm bảo tính thống nhất trong giao đất, thuê rừng
Có ĐBQH đề nghị việc giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư và cho tổ chức kinh tế thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên cần phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với việc giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; chỉ giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt để tránh bị lợi dụng.
Về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng cho biết, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện hành và dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đều quy định nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng phải thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất (khoản 5 Điều 19). Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên có hai vấn đề đặt ra:
Một là, tại Điều 135 Luật Đất đai (2013) không quy định giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư; Điều 29 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) quy định giao rừng cho cộng đồng dân cư nhưng không quy định rõ loại rừng nào. Để quản lý diện tích rừng này, ở nhiều địa phương đã giao cho cộng đồng dân cư quản lý trên 1,12 triệu ha (những năm 2004 nhiều đối tượng được giao rừng không có nhu cầu nhận).
Đến nay, các diện tích rừng này đã được cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ có hiệu quả, không có tranh chấp, phục vụ thiết thực đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, cho xã hội nói riêng và cho kinh tế – xã hội nói chung, góp phần bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia. Nếu thực hiện theo Điều 135 Luật Đất đai thì các diện tích này phải thu hồi lại và giao cho các tổ chức quản lý rừng quản lý.
Như vậy, sẽ làm phát sinh thủ tục chuyển đổi chủ sử dụng rừng không cần thiết; mặt khác sau khi thu hồi rừng của cộng đồng giao cho các tổ chức quản lý rừng sẽ vẫn phải giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ, chính họ là cộng đồng dân cư được giao rừng trước đó. Để khắc phục tình trạng này, ngày 06/01/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó có quy định giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư.
Hai là, việc giao, cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho các tổ chức kinh tế được thực hiện theo Luật BV&PTR năm 2004 (khoản 3 Điều 24, khoản 3 Điều 25). Hiện nay, Nhà nước đã giao 1,145 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho các công ty lâm nghiệp nhà nước. Để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên này, Dự thảo Luật đã quy định cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên đối với tổ chức kinh tế để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Điều 119 và Điều 120).
“UBTVQH đề nghị Quốc hội tiếp tục cho giữ quy định giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư (điểm a khoản 3 Điều 21); cho tổ chức kinh tế thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên (Điều 22) đến hết thời hạn được giao, cho thuê để phù hợp với thực tiễn giao rừng, cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện nay. Điều đó sẽ không làm xáo trộn chủ thể quản lý rừng và phát sinh thủ tục hành chính cũng như các chi phí chuyển đổi không cần thiết.
Đồng thời, để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành, khoản 2 Điều 114 Dự thảo Luật đã quy định rõ chủ rừng là tổ chức kinh tế được Nhà nước giao, cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê và sau đó phải chuyển sang thuê rừng”. – ông Dũng đề nghị.
Xem lại quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
Đối với ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thống nhất với quy định tại Điều 136, Điều 137 của Luật Đất đai, ông Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các quy định tại Điều 136, Điều 137 Luật Đất đai cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái là phù hợp với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua cho thấy, các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giao cho các tổ chức kinh tế hầu hết chưa được quản lý, bảo vệ đúng mục đích, có tình trạng lợi dụng quyền là chủ rừng để khai thác lâm sản trái phép.
Trong bối cảnh tình trạng phá rừng, mất rừng tự nhiên diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học thì trong Dự thảo Luật chỉ quy định giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các chủ quản lý là tổ chức kinh tế như quy định tại điểm c, đ của khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 21; với các quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 82, Điều 83 và không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để tránh bị lợi dụng. Trong trường hợp các tổ chức kinh tế muốn tiến hành các hoạt động kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái thì vẫn có thể hợp tác, liên kết với chủ rừng để thuê môi trường rừng.
“Vì lý do nêu trên, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như quy định tại Điều 22 của Dự thảo Luật”. – ông Dũng nói.
Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Điều 25), có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định về hạn mức quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác để bảo đảm tính chặt chẽ và phù hợp với Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai.
Ông Dũng cho biết, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa quy định tại Điều 25 cho phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể, phù hợp với Luật Đầu tư công đối với thẩm quyền của Quốc hội (khoản 1); phù hợp với Luật Đất đai và Chỉ thị 13-CT/TW đối với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 và 3 Điều 25 của Dự thảo Luật).
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội khi sửa Luật Đất đai, cần thể hiện bổ sung nội dung theo hướng: khi chuyển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất sang mục đích khác thì cần có sự chuyển mục đích sử dụng đất tương ứng đối với các diện tích chuyển mục đích sử dụng (bổ sung khoản 3 Điều 57); bổ sung hạn mức chuyển mục đích sử dụng đối với rừng đặc dụng là dưới 50 héc ta đối với thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ và dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ đối với thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (sửa khoản 1 Điều 58); quy định rõ tài sản gắn liền với đất (sửa khoản 1 Điều 104) gồm cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Bảo đảm ổn định đời sống người làm rừng
Đối với chính sách phát triển lâm nghiệp và bảo đảm ổn định đời sống người làm nghề rừng, ĐBQH đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về chính sách phát triển lâm nghiệp; chính sách để đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống dựa vào rừng được giao rừng để sản xuất, được tiến hành các các hoạt động văn hóa tín ngưỡng và được chia sẻ lợi ích từ rừng; đồng thời, cũng cần khẳng định trong dự thảo Luật chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số phải thể hiện được chính sách dân tộc, đúng đắn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định làm rõ các nội dung về chính sách phát triển lâm nghiệp như tại Điều 4 (chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp), Điều 71 (chính sách phát triển chế biến lâm sản), Điều 99 (chính sách đầu tư BV&PTR); bổ sung quy định chính sách bảo đảm đời sống và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng (khoản 6 Điều 4); Điều 59 (ổn định đời sống người dân và cộng đồng dân cư trong rừng đặc dụng và vùng đệm rừng đặc dụng), bổ sung quy định về nghĩa vụ của Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong việc khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ (điểm c, d khoản 2 Điều 80, điểm c khoản 2 Điều 81); về quyền được hưởng lâm sản tăng thêm do đầu tư vào rừng tự nhiên (khoản 3 Điều 78); được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng (khoản 4 Điều 78) và các quyền nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, giao rừng như quy định tại mục 4 Chương VIII của Dự thảo Luật…
Ông Phan Xuân Dũng cũng cho biết, ngoài những vấn đề lớn nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý về bố cục, kỹ thuật văn bản; chỉnh sửa nhiều điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật như: giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp, hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc lập quy hoạch, nội dung quy hoạch lâm nghiệp; điều tra, thống kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; về sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; về đóng, mở cửa rừng tự nhiên; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; về giá rừng, đầu tư tài chính trong lâm nghiệp…