Việt Nam đã chảy máu chất xám quá nhiều, đó là sự lãng phí vô cùng lớn đối với nguyên khí quốc gia.
Trong lịch sử 43 năm tham dự kỳ thi IMO thì năm nay đoàn Việt Nam đạt được thành tích tốt nhất với 4 huy chương vàng và xếp thứ 3 trong bảng tổng sắp. Nhận xét về các thành viên của đội tuyển IMO năm nay, thầy Lê Anh Vinh – Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi toán quốc tế cho rằng các em thực sự toàn diện, không chỉ tài năng và đam mê toán học mà còn có thể lực tốt, ngoan, ý thức kỷ luật cao.

Thành tích này là minh chứng rõ ràng nhất cho trí tuệ Việt Nam không thua kém bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới. Hiển nhiên, để có những “gà chọi” xuất sắc, chúng ta phải dành những tràng pháo tay ngưỡng mộ với đội ngũ huấn luyện viên – những người thầy trực tiếp đào tạo các em.
Trong 43 năm tham gia IMO, đoàn Việt Nam không ít lần đứng thứ hạng cao. Gần đây, năm 2015 chúng ta cũng thắng lớn tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế tổ chức tại Bắc Kinh – Trung Quốc, kỳ thi năm đó nếu xếp hạng theo tổng số huy chương thì Việt Nam đứng thứ 7 trên 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Những tấm huy chương danh giá đã chấm dứt những tranh cãi, ngờ vực về trí thông minh, tư duy logic của người Việt, đó không còn là khôn vặt, mánh lới như trong những mẫu chuyện dân gian được truyền từ đời này sang đời khác.
Tuy nhiên, sau cảm giác tự hào, ngưỡng mộ còn đọng lại đó những nỗi lo: Chúng ta sẽ làm gì với chủ nhân những tấm huy chương danh giá ấy? Khi mà một trong những tài năng đó mong muốn được học tập tại một trường đại học danh giá hàng đầu thế giới. Năm năm, mười năm sau liệu các em có khao khát trở về quê hương để cống hiến hay rồi cũng định cư và trở thành công dân các nước giàu có…?
Câu chuyện 13 quán quân chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” ra nước ngoài học tập chỉ có 1 quay lại quê hương làm việc được dư luận nhắc tới nhắc lui để bày tỏ lo ngại cho tình trạng chảy máu chất xám ngày càng nghiêm trọng hơn. Mấy thập kỷ qua, hàng chục thí sinh Việt Nam đạt huy chương IMO (Toán quốc tế), IphO (Vật lý quốc tế) IchO (Hóa học quốc tế). Nhưng đáng buồn là rất nhiều trong số ấy chìm vào quên lãng, nếu thành danh có mấy người sinh sống và làm việc trên quê hương mình.
Năm 2016, tạp chí khoa học danh tiếng Thomson Reuters thống kê có 3.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó Việt Nam có 5 người, nhưng 4 trong số ấy đều sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chỉ duy nhất 1 người ở Việt Nam.
Danh sách này gồm có: PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – Đại học Công nghệ TP HCM; GS.TS Nguyễn Sơn Bình – Đại học Northwestern, Mỹ; GS.TS Nguyễn Thục Quyên – Đại học Univ Calif Santa Barbara, Mỹ; GS.TS Võ Văn Ánh – Đại học Công nghệ Queensland, Australia; và TS Trần Phan Lam Sơn – Viện nghiên cứu Riken, Nhật Bản.
Quãng đường để đưa những tấm huy chương danh giá trở thành những sản phẩm khoa học thực tế vẫn còn rất xa, trong đó nhiệm vụ tiếp tục đào tạo bồi dưỡng bằng chế độ đặc thù đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nếu Việt Nam chưa có những đại học danh giá để các em lựa chọn thì có thể thu hút trở lại bằng chính sách.
Việt Nam đã chảy máu chất xám quá nhiều, đó là sự lãng phí vô cùng lớn đối với nguyên khí quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cận kề, cần phải có đội ngũ nhân tài đủ mạnh để tiếp nhận những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ.
Không ai khác, chủ nhân của những tấm huy chương danh giá ấy chính là nhân tài, cần phải được chắp cánh, trọng dụng một cách thiết thực, hiệu quả chứ không phải chỉ bằng lý thuyết.
Người Việt đã chi hơn 3 tỷ đô la mỗi năm để mua nhà và định cư tại Mỹ, chưa kể các nước như Canada, Singgapore, Úc… chắc chắn “người ra đi” không phải người nghèo và dân lao động bình thường. Đó là những doanh nhân giàu có, những trí thức trình độ cao.
Trên thế giới, lĩnh vực nào cũng có sự đóng góp của các nhà khoa học mang dòng máu Việt Nam nhưng ở trong nước đang thiếu trầm trọng đội ngũ chuyên gia. Rất nhiều dự án, công trình tầm cỡ đều phải thuê chuyên gia nước ngoài. Đó là vấn đề phải trăn trở băn khoăn.
Khắc Trà