
Món cá hấp lá đu đủ nghe tên đã thấy lạ vì lá đu đủ nghe có vẻ liên quan đến một vị thuốc hơn là thứ rau cỏ để nấu ăn. Hơn thế, hình thức thoạt nhìn thì không hấp dẫn, hay thậm chí có vẻ gây nghi ngờ cho thực khách rằng có chắc món này dễ ăn và ăn ngon không.
Quán sẽ mang nguyên một “chiếc bánh hấp” trông như bánh chưng, có điều không vuông sắc cạnh, cũng không xanh rền mướt mải mà úa sẫm, ướt rượt như láng mỡ.
Bóc lớp lá gói ngoài ra, màu sắc bên trong trông còn “giật mình” hơn. Lá đu đủ được xắt miếng ngắn độ 4-5cm ngấm hơi nước nóng vì hấp đến cả giờ trên bếp củi có màu tối sẫm và cũng ướt rượt như lớp vỏ bánh nhưng vẫn chưa thấy miếng cá hấp.

Mấy người bạn đồng hành lần đầu ăn món cá hấp lá đu đủ gật gù: lạ miệng và hấp dẫn ghê, mà xem ra lại có lợi cho sức khỏe.
Trước khi âu cơm được mang lên thì món cá hấp đã bị cả nhóm “ăn vã” hết. Tôi vào bếp để nghiên cứu gọi thêm “chiếc bánh cá” thứ hai. Đập vào mắt tôi là một khay “bánh cá” xếp như người ta vẫn hay xếp bánh chưng sau khi vớt dù không vuông vắn.
Trong lúc khách liên tục vào bếp để gọi món cá hấp đu đủ này thì tôi tranh thủ tìm hiểu. Chủ quán, một thanh niên còn khá trẻ, vừa luôn tay dọn đồ làm thức ăn cho khách, vừa chậm rãi trả lời câu hỏi của một vị khách tò mò.
Anh cho biết để làm món cá hấp này, cá được chọn sẽ phải là cá trắm, loại lớn cỡ từ 2 – 3kg trở lên thì thịt mới ngon và ngọt, làm sạch và pha thành từng miếng vừa để gói giống như chiếc bánh chưng nhỏ.

Cái đặc biệt nhất của món cá hấp đu đủ chính là vị đăng đắng của lá đu đủ non ngấm vào với thịt cá ngọt lịm, cùng với chút gia vị cay cay của ớt rừng, tiêu rừng tạo thành một món ăn lạ miệng và hấp dẫn.
Bản thân lá đu đủ trong dân gian cũng được biết đến là một vị thuốc có lợi cho sức khỏe, nên việc kết hợp món cá trắm hấp cùng lá đu đủ non sẽ tạo ra một món ăn có lợi cho sức khỏe và quá ngon để thực khách mỗi lần qua Đồng Bảng, Mai Châu lại phải gọi món này để “ăn chơi”.