Chiều 5/4/2019 Viện kiểm sát nhân dân TP. Cà Mau bất ngờ ra Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “Cố ý gây thương tích” sau 17 tháng kể từ ngày hết hạn truy tố. Đây là lần thứ 3 VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Hủy bản án sơ thẩm
Trước đó, 5 thanh niên Đặng Hữu Thời, Nguyễn Anh Duy, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung, Lâm Hải Long (cùng ngụ tại Cà Mau) bị TAND TP.Cà Mau tuyên phạt tổng cộng 22 năm 6 tháng tù giam. Các bị cáo kháng cáo kêu oan.
Tháng 11/2016, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung. Ngày 16/6/2017 các bị cáo được VKSND TP.Cà Mau cho tại ngoại.
Theo cáo trạng của VKSND TP.Cà Mau, đêm 14/3/2015, Trần Văn Tổng chở Đặng Hữu Thời (nhân viên ngân hàng) bằng xe máy về xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) thì gặp Trần Quốc Đẳng bị hỏng xe dọc đường. Thời xuống xe đi bộ với Đẳng, còn Tổng thì chạy chậm theo phía sau. Đi được một đoạn thì bị một nhóm thanh niên khoảng 7-8 người rượt chém. Tổng và Đẳng chạy thoát, riêng Thời bị thương ở đầu và vai. Nhóm người lạ mặt sau đó bỏ đi vì chém nhầm người.
Thời kêu Tổng chở về nhà lấy mã tấu đi trả thù. Đến 1h30 ngày 15/3/2015, Thời được cho là cùng các đồng phạm Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung và Nguyễn Anh Duy rượt chém 3 thanh niên đang đi bộ khiến Nguyễn Quốc Toàn bị thương tích 45%.
Nhiều người trùng tên
Tại các phiên tòa sơ – phúc thẩm các thanh niên đồng loạt kêu oan. Thời khai đêm đó sau khi bị chém nhầm, Thời chạy vào nhà chị Trần Kim Thoa (chị của Tổng) mượn điện thoại gọi cho Công an 113 nhưng không được. Thời gọi cho vợ, sau đó nhờ Nguyễn Tuấn Phong chở vợ chồng Thời vào bệnh viện .
Lâm Hải Long khai đêm đó đi ăn bánh mì cùng những người bạn, sau đó về nhà ngủ. Những bạn cùng đi ăn bánh mì với Long là Lê Hà Duy, Nguyễn Phương Nam, không phải Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Anh Duy bị bắt trong vụ án.
Đặng Hữu Thời khai rằng người đưa Thời vào bệnh viện là Nguyễn Tuấn Phong, không phải Lâm Tấn Phong (bị bắt trước đó), và Thời đi dự sinh nhật tại nhà anh Trần Văn Duy, không phải Nguyễn Anh Duy trong vụ án.
Cáo trạng mô tả: Thời đến đống cừ tràm gần đó dùng tay bẻ cây cừ thành nhiều đoạn phát cho đồng bọn. Phiếu nhập kho là 2 cây cừ tràm có chiều dài 0,83cm và 1,3 cm (tức chưa bằng 1 lóng tay). Nhiều người dự phiên tòa tỏ ra thắc mắc liệu với thể trạng của Thời đang bị thương tích vào đầu, vai, tay thì có thể dùng tay bẻ cây cừ tràm thành nhiều đoạn hay không?
Cáo trạng thể hiện: Thời cùng Long, Trung, Nam, Duy đứng đợi, khi thấy 3 anh Toàn, Tiến, Khen đi bộ từ cầu Lương Thế Trân xuống, Thời chỉ tay nói “nó kìa.” Và ngay lập tức nhóm của Thời chạy qua bên kia lề xông vào chém.
Bị hại Toàn khai rằng có một nhóm đi trên 7-8 xe mô tô chạy từ hướng cầu Lương Thế Trân lên TP.Cà Mau, sau đó quẹo lại rồi mới nhảy xuống xe rượt chém.
Rõ ràng cáo trạng mâu thuẫn lời khai của các bên.
Ngoại phạm vẫn nhận tội
Trước đó Công an TP.Cà Mau ký Quyết định trả tự do cho Hà Gia Nguyên, Lâm Tấn Phong sau 9 ngày tạm giữ, do được gia đình cung cấp camera chứng cứ ngoại phạm.
Tuy nhiên trong quá trình khai báo trước đó, Nguyên và Phong đã mô tả chi tiết vụ án. Vấn đề đặt ra là tại sao Nguyên và Phong không có tham gia vụ án nhưng lại khai rành mạch chi tiết như người trong cuộc?
Được biết trước đó, VKSND TP.Cà Mau đã 2 lần điều tra bổ sung, ngày 4/11/2017 là hạn chót truy tố, và đây là lần thứ 3 trả hồ sơ.
Khoản 2, Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
“Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần, và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.”
Vậy liệu VKSND TP.Cà Mau có vi phạm tố tụng khi trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 3 sau 17 tháng hết hạn truy tố?
Hữu Danh